1. Nước táo ép
Các loại nước ép và nước ngọt mà các bậc cha mẹ hay cho trẻ dùng phần lớn chỉ chứa đường và hương liệu. Không phải tất cả loại nước ép đều xấu nhưng đặc biệt nước táo ép cần quan tâm để ý, vì đây là loại trẻ uống nhiều nhất.
Cha mẹ có thể nghĩ rằng táo ép tốt hơn cam, bưởi hay anh đào. Nhưng nước táo ép 100% vẫn chứa đến 160 calo mỗi cốc và chứa rất nhiều chất tạo ngọt hóa học. Uống nước ép, trẻ không những không nạp được lượng chất xơ cần thiết mà còn không nhận được chất dinh dưỡng ở vỏ táo. Bạn cũng không nên quá chú trọng mua nhiều nước được quảng cáo có nhiều vitamin C và chất khoáng, vì trẻ thường không thiếu những chất này.
2. Mật ong
Trẻ dưới hai tuổi không nên cho dùng mật ong. Mật có thể chứa vi khuẩn độc gây bệnh. Vi khuẩn này không gây tổn thương cho người lớn nhưng hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện để chống chọi được với nó. Vi khuẩn này có thể xuất hiện trong mọi loại mật, dù nguyên chất hay đã qua chế biến.
3. Nước ngọt
Nước ngọt là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra béo phì, tiểu đường type 2 và hành vi hung hãn ở trẻ. Một lon nước ngọt có thể chứa 60 g đường, gấp bốn lần nhu cầu đường mỗi ngày của trẻ. Chất ngọt hóa học có thể còn nhiều hơn. Trẻ uống nước ngọt không nhận được chất dinh dưỡng mà chỉ toàn calo rỗng.
4. Pho mát và mì ống công nghiệp
Bên cạnh việc đây là những sản phẩm chế biến có rất ít dinh dưỡng, chúng còn chứa rất nhiều đường và chất bảo quản, có thể khiến trẻ phát triển khẩu vị thèm ăn mặn, thèm thực phẩm chứa chất ngọt hóa học nhiều hơn. Ngoài ra, việc chế biến nhanh và dễ dàng món ăn này cũng khiến trẻ ăn nhiều hơn một cách vô thức.
5. Bánh kẹo trái cây
Kẹo mùi trái cây, bánh ngọt vị trái cây, kẹo dẻo… chỉ chứa đường và hương liệu. Bạn không nên dùng chúng thay cho trái cây thực sự hay là món ăn vặt, ăn xế thường xuyên của trẻ.
Dù được quảng cáo làm từ trái cây tươi, những loại kẹo bánh này vẫn chứa rất nhiều đường. Thay vì dùng chúng, bạn nên mua trái cây khô.
6. Cá ngừ đóng hộp
Cá là nguồn cung cấp protein, chất béo lành mạnh, vitamin và chất khoáng. Nhưng cá ngừ có thể chứa rất nhiều thủy ngân. Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của trẻ nhỏ.
7. Nước uống tăng lực
Nước uống tăng lực có thể cung cấp nhanh ít calo và chất điện giải giúp phục hồi cho người hoạt động nhiều. Nhưng nước tăng lực có thể gây ngộ độc cho trẻ. Khi trẻ chơi mệt hoặc khi quá nóng, bạn nên cho trẻ uống nước cam hoặc nước ép trái cây tươi.
8. Thực phẩm đông lạnh
Các loại thịt làm sẵn thường chứa nhiều sodium, chất béo bão hòa, chất bảo quản và được làm từ thịt gà, cá, pho mát chất lượng không cao. Dù có nguyên liệu thành phẩm tốt, chúng vẫn thường được chế biến nhanh nên chất béo và calo trong chúng vẫn quá cao đối với trẻ em. Bạn cần xem kỹ thành phần chất béo bão hòa trên nhãn.
9. Nước sốt chấm
Trừ phi bạn dùng nước sốt để khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại nước sốt chấm quá sớm, bao gồm cả tương ớt, tương cà. Nước sốt có thể thêm vào hàng trăm calo và chất béo cho bữa ăn của trẻ.
10. Sữa tươi nguyên chất
Dù bạn cho rằng sữa tương nguyên chất tốt hơn sữa tiệt trùng vì lượng enzyme tiêu hóa và chất dinh dưỡng được giữ nguyên, dùng sữa tươi nguyên chất cho trẻ em là rất nguy hiểm.
Sữa chưa được tiệt trùng có thể gây ngộ độc thực phẩm vì hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu, rất nhạy cảm với thành phần của sữa.